Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Facebook và Google trên cuộc chiến mạng xã hội

Theo TechCrunch, Sergey Brin sẽ trực tiếp chỉ đạo nhóm phát triển mạng xã hội đương đầu với Facebook. Trọng vụ đàm phán không thành với Groupon, Google thể hiện rõ quyết tâm bám đuổi Facebook Deals, FourSquare trên thị trường quảng cáo nội địa khi sẵn sàng trả giá đến tận 6 tỉ đô-la. Cũng chỉ mới đây thôi người ta chứng kiến vụ cãi nhau như hai đứa trẻ con giữa Facebook và Google về vấn đề chia sẻ danh bạ các mối quan hệ. Ở mặt trận nhân lực, áp lực chảy máu chất xám đã ép Eric Schmidt phải muối mặt bỏ ra 3.5 triệu đô-la cho việc giữ chân một nhân viên chủ chốt trước sức cám dỗ của Mark Zuckerberg, đồng thời đưa ra tuyên bố tăng lương 10% cho mọi vị trí trong công ty. Có thể thấy cuộc đối đầu giữa hai đại gia dẫn đầu lưu lượng sử dụng Internet đang diễn ra vô cùng căng thẳng và hấp dẫn.

Google nhảy vào cuộc chơi không phải chỉ vì tham lam

Tại sao Google cứ cố chấp không chịu từ bỏ mạng xã hội? Nó đến quá muộn khi cánh cửa thị trường đã gần như hoàn toàn khép lại, không còn chỗ cho nó nữa. Sao nó không tập trung tài nguyên vào chiến lược cốt lõi là tìm kiếm, tổ chức dữ liệu?

Nguyên nhân là vì đối với Google mà nói, Facebook chẳng khác nào hình ảnh của chính nó trước Microsoft cách đây 10 năm. Khi ấy, chính niềm tin mù quáng vào sức bành trướng không giới hạn của thị trường ứng dụng desktop đã khiến gã khổng lồ phần mềm bàng quan với thị trường online trong suốt một thời gian dài. Microsoft có nhen nhúm chen chân vào online nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những nỗ lực nửa vời không hơn không kém. Các chiêu bài nực cười của Yahoo càng giúp Bill Gates yên tâm hơn về tầm nhìn của mình. “Online chỉ là xu thế nhất thời đang được truyền thông thổi bong bóng mà thôi. Ứng dụng online quá hạn chế về tài nguyên và sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi với desktop. Vả lại, làm dịch vụ online dù tốt đến đâu cũng khó có thể sinh lời.” Gates tự nhủ. Kết quả như chúng ta thấy, giá trị vốn hoá thị trường của Microsoft hiện giờ là 233 tỉ đô-la, so với con số gần 400 tỉ đô-la vào mùa hè năm 2001.

Để tôi kể lại bi kịch nói trên một lần nữa cho các bạn dễ hình dung. Năm 2010, bất chấp đà tăng trưởng như vũ bão của mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng, Google vẫn tin tưởng tuyệt đối vào máy tìm kiếm như phương tiện tối cao để đưa người sử dụng đến với World Wide Web. Một số dự án làm mạng xã hội của Google như Buzz hay Orkut chỉ gọi là cho có. Nó để dành các cá nhân xuất sắc nhất cho những chiến lược mà nó đánh giá là quan trọng hơn. Sự sa sút đến hài hước của MySpace và thái độ quay ngoắt 180 độ của người sử dụng càng củng cố niềm tin mà hai nhà sáng lập dành cho máy tìm kiếm. “Mạng xã hội chỉ là xu thế nhất thời đang được truyền thông thổi phồng lên ấy mà. Chúng sẽ liên tiếp thay thế nhau theo thói đồng bóng của giới trẻ, tựa như các trào lưu của ngành giải trí vậy. Vả lại, làm mạng xã hội dù tốt đến đâu cũng khó có thể sinh lời. Nếu anh đặt quảng cáo dựa trên các thông tin nhạy cảm mà người sử dụng cung cấp cho anh hoặc bán lại thông tin này cho doanh nghiệp thì cả người dùng lẫn nhà chức trách đều sẽ lên tiếng phản đối. À mà đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bắt người sử dụng trả tiền cho dịch vụ mạng xã hội nhé!” Larry Page và Sergey Brin tự nhủ. Kết quả là đầu năm 2020, giá trị vốn hoá thị trường của Google sụt giảm xuống còn 90 tỉ đô-la, so với con số 183 tỉ đô-la vào mùa đông năm 2010.

Xung đột quyền lợi giữa Facebook và Google thậm chí còn mật thiết hơn thế nhiều. Trong tầm nhìn chiến lược của mình, Mark Zuckerberg đánh cược vào một pha dịch chuyển thói quen khổng lồ, ở đó người ta chỉ quan tâm đến những thông tin được khởi tạo, chia sẻ bởi nhóm người được kết nối với mình mà thôi. Tương tự như khi xưa Page và Brin tin tưởng rằng ứng dụng online sẽ thay thế phần lớn ứng dụng desktop, thì nay đối với Zuck, anh hình dung ra một ngày mạng xã hội sẽ đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu truy cập thông tin vốn là sở trường của máy tìm kiếm.

Nếu tất cả nghe có vẻ quá to tát, ta hãy bàn đến một chuyện không thể tủn mủn hơn – cơm áo gạo tiền. Hiện cặp bài trùng Adwords/Adsense vẫn là cỗ máy in tiền chủ lực của Google. Adwords biết người tiêu dùng chuẩn bị mua gì và đặt quảng cáo dựa trên cơ sở đó. Adsense giới thiệu một mặt hàng có liên quan đến nội dung chúng ta đang quan tâm để kích thích nhu cầu mua. Tuy nhiên cả Adword lẫn Adsense đều chưa tác động đến nhân tố xã hội trong việc ra quyết định mua. Chúng ta có xu hướng muốn mua các loại hàng hóa, dịch vụ mà bạn bè đang sở hữu. Chúng ta bị chi phối bởi lời nhận xét của người quen trước khi ra quyết định mua. Đó là những biểu hiện mang tính bản năng của loài người. Ngân sách marketing của mỗi doanh nghiệp chỉ có hạn. Nếu dự định bỏ ra nhiều hơn cho truyền thông xã hội, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo tìm kiếm.

Facebook đang đe dọa hoạt động kinh doanh của Google ngay tại thời điểm này. Trong tương lai, mâu thuẫn giữa chúng hứa hẹn sẽ ngày một sâu sắc hơn.

Đầu hàng không được mà đánh cũng chẳng xong

Google có nhiều lý do để chơi đến cùng trong cuộc đua mạng xã hội. Nhưng gã khổng lồ tìm kiếm tỏ ra nhỏ bé làm sao trong không ít các nỗ lực làm mạng xã hội từ trước đến giờ. Dường như cách tiếp cận của nó có gì đó không ổn.

Tôi nghĩ ở đây cá tính của hai nhà sáng lập đóng một vai trò quan trọng. Từ khi còn học đại học, Larry Page luôn ám ảnh với sự tiện ích. Quả thật mọi sản phẩm Google tung ra đều hướng đến tính tiện ích, đến mục tiêu tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu suất làm việc cho người dùng. Trong khi đó, giải trí, tiêu tốn thời gian, gây sao nhãng, gây nghiện gần như thuộc về bản chất của mạng xã hội – bên cạnh lợi ích kết nối và chia sẻ.

Nếu biết trước hôm nay Facebook sở hữu tới hơn 500 triệu thành viên, chắc chắn khi xưa mạng xã hội đã lọt vào trong top 3 các mối quan tâm hàng đầu của ban quản lý tối cao tại Google. Page và Brin không chờ đợi tương lai này căn bản vì họ không muốn thế. Nhưng điều gì phải đến cũng đã đến. Giờ đây Google phải làm sao để kiếm cho mình một miếng bánh trên thị trường mạng xã hội, một thị trường “khó ưa” nhưng mang tính chiến lược cho hoạt động kinh doanh của nó?

Trong slide “Mạng xã hội thực tế” của nhà nghiên cứu kinh nghiệm người dùng cho các sản phẩm xã hội tại Google, Paul Adams, ông này chỉ ra một số mâu thuẫn then chốt giữa mô hình mạng xã hội Facebook hiện đang vận hành và mô hình mạng xã hội thực tế. Chẳng hạn, mỗi cá thể thuộc mạng xã hội thực tế thường kết nối với một vài nhóm người khác nhau và khi tương tác với từng nhóm kiểu này, cá thể ấy lại mang một bộ mặt, hình ảnh tương đối khác. Trong khi đó, mỗi thành viên trên Facebook chỉ có quyền thể hiện một identity duy nhất xuyên suốt toàn bộ các kết nối, bao gồm từ gia đình, bạn thân, bạn cùng lớp, đến bạn xã hội, bạn đồng nghiệp, bạn cùng sở thích, và thậm chí cả ... girls xinh nữa.

Sau khi Adams công bố bản slide kể trên, Facebook lập tức bế quan tỏa cảng mùa hè năm 2010 để rồi tung ra Facebook Groups. Tuy nhiên Facebook Groups chưa thể gọi là giải pháp sâu sắc cho sự mâu thuẫn mà Adams đề cập. Ý tưởng của Adams rất hay nhưng không dễ để cụ thể hóa.

Câu “một nước không thể có hai vua” tỏ ra rất phù hợp để nói về mạng xã hội. Có lẽ Google chỉ muốn hất cẳng Facebook ra khỏi chiếc ghế độc quyền thôi, nhưng trớ chêu thay, bản chất của thị trường mạng xã hội là kêu gọi độc quyền. Bên cạnh đó, giải pháp tận dụng khe hở thị trường rồi tạo ra một mạng xã hội chuyên biệt kiểu như LinkedIn lại có vẻ quá khiêm tốn đối với một đại gia như Google.

Trong mọi trường hợp, thách thức lớn nhất đặt ra cho Google nằm ở lực ma sát cực lớn của dịch vụ mạng xã hội. Là người Việt Nam, chúng ta hẳn còn nhớ người dùng Yahoo! 360 trung thành đến thế nào. Họ bất chấp mọi nhược điểm của dịch vụ. Lực ma sát cho mỗi thành viên là tổng hợp các kết nối sẵn có cộng với tất cả các thông tin thành viên đó chia sẻ trong thời gian sử dụng dịch vụ.

Rõ ràng chỉ với chức năng ưu việt hơn thôi chưa đủ để bất kỳ ai đánh bật được Facebook. Khả năng cao là anh chưa kịp thu thập thành viên thì Facebook đã clone xong chức năng của anh rồi. Google cần một chiến lược ra mắt rồi lan tỏa sáng tạo và thông minh, chứ đừng bạc nhược như những gì nó đã thể hiện với Wave. Nên chăng Google bắt đầu với sơ đồ xã hội sẵn có tại Gmail và Youtube. Hoặc giả nó hãy nhanh chân nhảy vào một platform nơi lực ma sát còn thấp, như smartphone chẳng hạn.

Biết đâu Facebook sẽ không đánh mà tự thua?

Người ta đã nói quá nhiều về khả năng sinh lời của mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng. Cá nhân tôi nghĩ, về lâu về dài, phong cách quản lý nội bộ mới chính là yếu tố then chốt quyết định Facebook có giữ được ngai vàng trên vương quốc mạng xã hội hay không.

Mark Zuckerberg là một thiên tài. Ta không phủ nhận điều đó. Nhưng đồng thời anh cũng là một kẻ bất chấp thủ đoạn. Tháng 9 năm 2004, ba nhà sáng lập tại ConnectU kiện Zuck bỏ qua sự thống nhất không có văn bản trước đó giữa bốn người bọn họ với nhau. Theo ConnectU, Zuck đã ăn cắp ý tưởng, sử dụng mã nguồn của cả nhóm trong quá trình xây dựng một mạng xã hội cho riêng mình. Bản thân cái tên TheFacebook cùng một số ý tưởng ban đầu, Zuck cũng lấy từ Aaron Greenspan, bạn học của anh tại Harvard, nguyên Think Computer CEO. Chẳng thế mà nếu tình cờ ta bắt gặp một bài viết về Facebook trên Hacker News, khả năng cao là Greenspan sẽ xuất hiện với tài khoản thinkcomp và đưa ra một số lời lẽ cay nghiệt.

Không chỉ hung hãn, cơ hội, chàng Mark Zuckerberg trẻ tuổi đôi khi còn cư xử rất trẻ con. Anh nhiều lần bị dư luận chỉ trích vì công khai coi thường thông tin cá nhân của người sử dụng. Mới đây, Facebook vô duyên vô cớ block tài khoản của Lamebook chỉ vì trang mạng này mang một cái tên có phần động chạm. Mùa hè năm 2007, với việc lôi kéo thành công vị giám đốc tài chính của Google, ông Gideon Yu, Zuck không giấu nổi sự phấn khích trước tờ Wall Street Journal: “Thật là một điều kỳ diệu khi Yu chịu làm việc cho chúng tôi.” Ấy thế mà sau khi Yu ra đi đầu năm 2009, anh ta lại trở mặt nói rằng cái Facebook cần là một CFO với “kinh nghiệm làm việc trong công ty cổ phần công khai” kia!

Tính cách của Zuck sẽ ảnh hưởng thế nào đến văn hoá làm việc tại Facebook? Hiện Facebook đang thu hút được rất nhiều nhân tài nhờ sức hấp dẫn của cổ phiếu trước IPO cũng như khát vọng thay đổi thế giới. Tới khi Facebook ra mắt công chúng rồi, chính thức … thay đổi thế giới rồi, liệu nó còn giữ được trạng thái sôi nổi, hưng phấn như hiện nay không? Facebook có còn “move fast, break stuff” như Zuck mong muốn nữa không? Các chuyên gia về quản lý có nhiều bất đồng trong quan điểm, nhưng họ đều thống nhất rằng tiền bạc không phải là động cơ thúc đẩy tinh thần làm việc hiệu quả nhất. Mỗi doanh nghiệp đều cần một thứ tương tự như khẩu hiệu “Don’t Be Evil” của Google.

Cho đến thời điểm này, đa số chức năng trên Facebook có nguồn gốc từ sao chép hơn là sáng tạo nguyên bản. Tôi còn một lý do nữa để nghi ngờ nồng độ cách tân của Facebook. Paul Buchheit gia nhập Facebook tháng 8 năm 2009. Tháng 11 năm 2010, ông rời Facebook để đến với Y Combinator, một công ty chuyên đầu tư vào startup ở giai đoạn mới sơ khai. Phải chăng môi trường làm việc ở Facebook không đủ tính khởi nghiệp như vị cha đẻ của Gmail, nhà đồng sáng lập ra FriendFeed vẫn hằng mong đợi?


Google hay ở chỗ nó ít nhiều giữ được sự tươi mới ngay cả khi đã bành trướng đến con số hơn 20 nghìn nhân viên. Người ta thường chê trách Google quá phân tán sự tập trung nhưng theo tôi, đây mới chính là thế mạnh của gã khổng lồ tìm kiếm. Nó đảm bảo Google sẽ luôn sản sinh ra những dự án mới, thu hút nhân tài từ một diện rộng sở thích, sở trường khác nhau, tránh được sự nhàm chán, giải tỏa được sức ỳ. Lẽ dĩ nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Cứ chốc chốc Google sẽ lại gặp phải một đối thủ nặng ký, hung hãn, tập trung vào một thị trường cụ thể như Facebook.

Dù thế nào đi nữa, cuộc chiến mạng xã hội là cơ hội để tôi và các bạn thỏa mãn trí tò mò. Chúng ta hãy cùng chờ xem thành quả của những bộ óc thông minh hàng đầu thế giới.