Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Tại sao bạn chọn CNTT?

Giả sử bạn đang làm trong lĩnh vực CNTT và bạn là một người thông minh. Vì bạn thông minh, bạn đã có thể lựa chọn một trong số rất nhiều lĩnh vực khác nhau để đầu tư thời gian và khả năng cao là bạn vẫn sẽ thành công ở một mức độ nhất định, nhưng tại sao bạn lại chọn CNTT?

Đó là một câu hỏi sâu sắc - nó đã kích thích tôi rút ra một số những đặc thù sau của ngành này:

1. Thoả mãn tư duy

Trí tò mò nằm trong bản năng của con người. Nếu như con gái có thiên hướng tò mò về con người, về những mối quan hệ xã hội, thì con trai thiên nhiều hơn về tự nhiên. Nếu như một bé gái thường hay đặt câu hỏi tại sao anh An thích chị Bình mà lại không thích chị Chi, thì một bé trai thường bỏ qua sự kiện này và nó quan tâm hơn đến chuyện tại sao trái đất hình tròn mà lại không phải hình vuông.

Con người có nhu cầu được suy luận, được sáng tạo xung quanh những đối tượng mà mình tò mò. Tương tự như việc con gái có nhu cầu chơi trò mèo vờn chuột với con trai để thoả mãn nhu cầu suy luận, sáng tạo về cảm xúc con người, về quan hệ xã hội, thì con trai cũng có nhu cầu chơi cờ để thoả mãn nhu cầu suy luận, sáng tạo về các đối tượng trừu tượng.

CNTT, cũng như các ngành kỹ thuật khác, đòi hỏi khả năng tư duy logic chặt chẽ, mà quan trọng hơn nữa là khả năng sáng tạo và tưởng tượng. Chính vì vậy, nó không thích hợp với đa số con gái nói riêng, cũng như những người có thiên hướng xã hội hơn là thiên hướng tự nhiên nói chung.

2. Khả năng ứng dụng cao

Đối với một người có thiên hướng tư duy trừu tượng rất cao, có sự hiếu kỳ thuần khiết hướng về tự nhiên, thì có lẽ Toán học sẽ phù hợp hơn. Thế nhưng, lợi thế của CNTT là tính ứng dụng của thành quả lao động.

Trong "Lời xin lỗi của một nhà Toán học", Hardy chia sẻ, những gì là đẹp đẽ, là tinh tuý nhất của Toán học thì không hề, hoặc có rất ít tính ứng dụng. Tôi không coi đây như một nhược điểm của bộ môn này, nó đơn giản chỉ là đặc thù. Trong CNTT, khả năng tận mắt trông thấy sản phẩm mà mình làm ra gây tác động tích cực lên đời sống của rất nhiều người là một động lực đáng kể.

3. Nuôi dưỡng tâm hồn

Những người làm kỹ thuật thường xuyên suy luận xung quanh những đối tượng trừu tượng. Điều này vô tình giúp họ dễ dàng cân bằng hơn trong cuộc sống. Con người luôn dành phần lớn thời gian và tâm trí cho những hoạt động liên quan trực tiếp đến con người, họ thực sự cần một khoảng không biệt lập với xã hội loài người để cân bằng lại.

Tôi quan sát, đa số dân kinh tế, xã hội mới gặp thì vui vẻ, hồ hởi, nhưng càng chơi càng thấy khó thân; ngược lại, dân khoa học, kỹ thuật lúc mới quen thì khó gần (như thể là họ không có khả năng giao tiếp), nhừng càng chơi càng thân, càng tin tưởng. Tôi còn nhớ ở công ty cũ, các thành viên chơi với nhau hồn nhiên như lớp cấp 3, cấp 2 của tôi vậy.

Chính vì "hồn nhiên" quá, bất lợi của dân kỹ thuật là thường không thu hút con gái - tất nhiên nếu bạn là giám đốc kỹ thuật thì lại là chuyện khác. Tuy vậy, một người làm kỹ thuật có thể xã hội hoá dễ hơn là một người quá thiên về xã hội có thể tự nhiên hoá. Hơn nữa, việc bạn không thu hút những cô gái hời hợt, ham hào nhoáng, thực dụng không hẳn đã là một bất lợi.

4. Trẻ trung, sôi nổi

So với các ngành khoa học kỹ thuật khác, CNTT là một ngành hiện còn rất trẻ. Còn xa, rất xa nữa, CNTT mới có thể đạt được độ chín tương đương với các ngành khoa học khác. Một mặt, nó có nghĩa là CNTT tồn tại rất nhiều hạn chế, nhiều sự khập khiễng, nhiều chuẩn không hợp lý, nhiều điều không hoản hảo. Mặt khác, đối với những người ham muốn khai phá, CNTT là một mảnh đất rất giàu tiềm năng. Chỉ một điểm bùng phát trong suy nghĩ của bạn cũng có thể làm thay đổi toàn ngành trên diện rộng, và qua đó tác động đến cả thế giới.

Vì còn trẻ, CNTT không có khối lượng kiến thức bị tích trữ lại quá lớn. Bạn có thể trang bị cho mình một lượng vừa đủ và bắt đầu bắt kịp với kiến thức hiện hành. Cũng vì còn trẻ, CNTT thay đổi từng ngày, nhanh đến chóng mặt, tạo cảm giác hào hứng, sôi nổi, tươi mới cho những người tham gia.

Cũng chính vì điều này, CNTT sẽ không phù hợp với những người trì trệ. Những người trì trệ sẽ nhanh chóng bị lỗi thời so với tiến độ của ngành và rất dễ để tuột mất đam mê.

Cần phải nói thêm rằng tốc độ phát triển của CNTT tuy nhanh nhưng báo chí và truyền thông đã làm cho người ta có cảm giác còn nhanh hơn rất nhiều. Những thay đổi mang tính bản lề chỉ diễn ra trong vòng từ 5-10 năm, tích luỹ từ những thay đổi nhỏ mà dân Internet gọi chung là "the next big thing". Đây cũng là một đặc thù mà những người tham gia cần có tầm nhìn để xác định đâu là hype, đâu là thực chất.

Kết luận

Nhiều người coi công việc chỉ là một công cụ để đạt được những mục tiêu khác trong cuộc sống. Quan điểm này đánh giá quá thấp tầm quan trọng của công việc. Nên nhớ rằng bạn bỏ ra phần lớn thời gian trong ngày với nó - sẽ tốt hơn nếu bạn chọn một công việc mà mình thực sự yêu thích.

Việc lựa chọn chuyên môn không hề đơn giản. Nó giống như lựa chọn người yêu vậy. Bạn phải sử dụng cả lí trí lẫn trái tim. Nếu không có cảm xúc thì không thể yêu, có cảm xúc mà không phù hợp thì không thể lâu dài. Và cũng giống như tình yêu, tìm được nó đã khó rồi, giữ được nó lại càng khó hơn. Hiện nay, công việc trung bình của dân công nghệ có vẻ như tương đối nhàm chán, đòi hỏi bạn phải nỗ lực một cách có ý thức để duy trì ngọn lửa nhiệt tình - điều mà tôi mong muốn được viết tiếp trong bài sau.